Có lẽ, không thứ gì thân thiết và cần thiết với con người nói riêng và sự sống nói chung hơn là nước. Làm thế nào để bảo đảm đủ nước cho đời sống của gần 100 triệu dân và sản xuất của đất nước là mục tiêu của Đề án Bảo đảm an ninh nước và an toàn đập, hồ chứa nước, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2021.
Chung quanh câu chuyện về nước, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thiên tai liên quan đến nước là khủng khiếp nhất
- Phóng viên: Thưa thứ trưởng! trước hết, chúng ta phải hiểu vấn đề An ninh nguồn nước như thế nào? Liệu đây có phải là vấn đề nguy cấp đáng báo động hiện nay hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
An ninh nguồn nước hiện nay là một vấn đề lớn. Năm 2008, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nói: An ninh nước là vấn đề quan trọng thứ 2 của mỗi quốc gia để phát triển bền vững sau con người và thực tiễn cho đến nay, các quốc gia trên thế giới đều thấy quan điểm đó là đúng. Nước là yếu tố quan trọng thứ 2 sau con người, nếu thiếu nước thì hạn hán, không có nước cho tiêu dùng, cho sản xuất, còn thừa nước thì lũ lụt, ngập úng.
Trong tất cả các loại hình thiên tai thì thiên tai liên quan đến nước là khủng khiếp nhất, khốc liệt nhất, thừa cũng rất nguy hiểm và thiếu càng nguy hiểm hơn. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra định hướng là cần phát triển nhanh và bền vững. Muốn nhanh thì các giải pháp đã có, nhưng muốn bền vững thì yếu tố về an ninh nước là một trong những yếu tố cốt lõi. Có thể nói, nước và môi trường là hai yếu tố cốt lõi cho phát triển bền vững.
Trở lại câu hỏi, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã cấp bách chưa? An ninh nguồn nước đã thực sự cấp bách, đến mức Chính phủ đã trình Quốc hội, sau đó Quốc hội đã tổ chức đi khảo sát các vùng miền trên cả nước, sau đó đưa ra Quốc hội báo cáo kết quả giám sát. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, ra Nghị quyết số 124/2020/QH14, ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 giao Chính phủ xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045, trình Quốc hội khóa 15 xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021.
Vừa thừa vừa thiếu
- Phóng viên: Có thể thấy rằng trữ lượng nước của nước ta (cả nước mặt và nước ngầm) khá phong phú, nhưng lại phân bổ không đều, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, lúc thừa, lúc thiếu?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Trước hết, Việt Nam chúng ta thừa nước hay thiếu nước? Nếu xét về tổng lượng nước thì Việt Nam không thiếu nước. Hiện nay, tổng lượng nước ở Việt Nam một năm là khoảng 830 tỷ m3, nhu cầu của chúng ta hiện nay mới dùng khoảng 100 tỷ m3, nhưng vấn đề ở đây nước phân bổ không đồng đều, cả về không gian và thời gian. Về không gian, lượng nước này tập trung chủ yếu vào một số vùng. Có một số vùng lượng mưa rất lớn, nhưng có một số vùng nhiều tháng, thậm chí cả năm không có mưa, không có nước. Theo thời gian thì lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, còn mùa khô gần như không có mưa. Như vậy tổng lượng nước thì lớn, nhưng nguy cơ thừa, thiếu lại rất cao.
Vấn đề thứ hai, nước ở Việt Nam có khoảng 830 tỷ m3/ năm, nhưng lượng nước sản sinh tại lãnh thổ Việt Nam chỉ có 37%, còn lại 63% là nước từ nước ngoài chảy về. Đến 90% lượng nước ở đồng bằng sông Cửu Long và 60% lượng nước ở đồng bằng sông Hồng là từ bên ngoài vào, đây thực sự là vấn đề lớn. Nếu chỉ xét lượng nước sản sinh trên lãnh thổ, thì lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. Do đó, nếu xét trên lãnh thổ, việc chủ động được thì nước ở Việt Nam lại là khá thấp. Theo Liên hợp quốc đánh giá thì Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông- Nam Á và ở “top” cao trên thế giới về mất an ninh nguồn nước.
Ngoài ra còn những vấn đề đáng báo động khác nữa về an ninh nguồn nước, thí dụ như vấn đề ô nhiễm. Nhiều hệ thống kênh, rạch, ao hồ…. hiện nay đang ô nhiễm trầm trọng, do tình trạng xả thải bừa bãi, chưa qua xử lý. Theo thống kê thì nguồn thải gây ô nhiễm 70% là từ các khu dân cư, sinh hoạt, làng nghề, 30% là từ các khu công nghiệp, khu chế xuất. Như vậy là có nước mà không dùng được. Cái mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là tất cả các dòng sông trở lại bình thường như ngày xưa về trữ lượng và độ sạch, nhưng phải mất rất nhiều thời gian nữa, chúng ta phải cố gắng mới có thể để đạt được điều ấy. Như vậy, từ ba yếu tố chính về an ninh nguồn nước đó có thể khẳng định rằng, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã đến mức báo động đỏ và an ninh nguồn nước là vấn đề bức xúc nghiêm trọng hiện nay.
Theo ước tính, hiện nay khoảng 1,1 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nước sạch; thống kê hằng năm khoảng 2 triệu người, trong đó hầu hết là trẻ em, bị chết do mắc bệnh liên quan đến nước. Ở Việt Nam, có tới 17 triệu người chưa được tiếp cận nước sạch; khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém; gần 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường)…Bất chấp những con số báo động trên, vẫn có có đến khoảng 30% người dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nước sạch.
Có nước nhưng không dùng được…
- Phóng viên: Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, nhất là ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế … đang ngày càng nghiêm trọng cũng là một thực trạng đáng báo động, đúng không thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Đây là nguy cơ rất lớn và nghiêm trọng đặc biệt. Phải kiểm soát chặt chẽ nước xả thải nước không đủ tiêu chuẩn, xả vào các hồ thủy lợi, vì từ hồ thủy lợi thì bơm lên dùng chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất, hiện tượng xả trộm, hệ thống xả tập trung theo hệ thống… Giải quyết nó thế nào? Trước mắt, hệ thống thủy lợi thêm quy trình, trước khi lấy nước chính thức thì bơm vào rửa sạch, tuy tốn nhưng phải làm. Những chỗ xả thải chính, thì phải kiểm soát chặt chẽ và có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý nghiêm.
Thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế về nước
- Phóng viên: Vậy chúng ta sẽ phải xử lý vấn đề này như thế nào thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Trước tiên, chúng ta phải làm thế nào để sử dụng tốt nhất nguồn nước nội sinh (37% tổng lượng nước). Thứ hai, sử dụng hiệu quả và hợp lý nhất nguồn nước ngoại sinh(63%). Hiện nay, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông, sông Đà đang có chiến lược về sử dụng nước dòng chính rất mạnh. Thí dụ, riêng thủy điện, đến năm 2020 trên dòng chính Mê Công đang tích 45 tỷ m3 nước. Nhưng trong chương trình của các nước thì đến năm 2030 các thủy điện sẽ tích khoảng 70 tỷ m3 và đến năm 2040 sẽ tích 110 tỷ m3 nước. Khi đó, hệ quả đối với vùng hạ lưu của chúng ta sẽ rất khủng khiếp. Thủy điện sẽ chắn lại toàn bộ bùn, cát, cá, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thủy ở hạ du. Mặc dù chúng ta đã có các cơ chế hợp tác quốc tế rất hiệu quả như hợp tác Mê Kông, Mê Kông – Lan Thương, Mê Kông – Mỹ, Mê Công ASEAN…, nhưng vẫn cần hợp tác và đấu tranh theo đúng với các quy định của luật pháp quốc tế, một cách kiên trì, bề bỉ, lâu dài hơn.
Đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đang đấu tranh có hiệu quả, khi các nước phía thượng nguồn xây thủy điện thì phải bảo đảm các yếu tố kèm theo như có dòng nước cho cá đi, có cửa xả cát để bảo đảm phù sa lưu thông… Một nguy cơ cao hơn là các nước thượng nguồn chuyển nước khỏi lưu vực. Làm thủy điện thì nước bị ngăn lại nhưng vẫn ở trong lưu vực, tích vào mùa mưa nhưng sẽ xả vào mùa khô, nhưng nếu chuyển nước khỏi lưu vực thì sẽ mất hẳn. Về nguyên tắc là không cho phép chuyển nước khỏi lưu vực, cái này đã có cơ chế, nhưng cũng không đơn giản vì đó là hợp tác quốc tế.
Tiếp nữa, chúng ta phải áp dụng các giải pháp khoa học để dự báo chính xác nhất có thể, diễn biến nguồn nước ở các lưu vực, chúng ta chưa được cung cấp số liệu này ở các nước, nếu nước về ít thì tính cho thiếu nước, khô hạn, nếu nước về nhiều thì tính cho phương án lũ lụt… Nên chúng ta áp dụng khoa học công nghệ để chủ động dự báo được diễn biến nguồn nước ở thượng lưu.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số để chủ động ứng phó với thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phát triển, tạo nguồn nước mới, thu, tích trữ, điều tiết, điều hòa, chuyển nước, liên kết nguồn nước; xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt tại chỗ phục vụ cấp nước dân sinh ven biển, vùng đảo; kiểm soát xâm nhập mặn, giữ ngọt, tích trữ nước ở trong sông, đặc biệt ở 5 lưu vực sông lớn gồm sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Cửu Long; quản lý, khai thác nguồn nước hiệu quả, tập trung vào các giải pháp phục vụ hiện đại hóa quản lý, khai thác hiệu quả hạ tầng ngành nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm; bảo vệ môi trường nước, nhất là các giải pháp phục vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo, giám sát, kiểm soát chất lượng nước, quản lý, xử lý ô nhiễm nguồn nước, quản lý, xử lý nước thải.
- Phóng viên: Vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước cũng hết sức đáng quan tâm, thưa Thứ trưởng, nhất là trong điều kiện rất nhiều công trình đập, hồ chứa của chúng ta đã xây dựng lâu năm, đang bị xuống cấp?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do mưa lũ diễn biến cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa đang có chiều hướng gia tăng.
Chúng ta hiện có 7016 hồ đập lớn nhỏ, trong đó 466 hồ thủy điện, còn lại hồ thủy lợi hơn 6.500 cái. Tổng dung tích trữ của tất cả hồ đập này vào khoảng 55 tỷ m3 nước, trong đó hồ thủy lợi tích khoảng 15 tỷ m3 nước, còn lại là hồ thủy điện. Như vậy, số lượng hồ thủy điện, nhưng lại tích nước gấp hơn 3 lần hồ thủy lợi.
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều để bảo đảm an toàn hồ chứa. Thực trạng hiện nay, đối với các hồ chứa mới thì khá yên tâm. Tuy nhiên, trong số hơn 7000 hồ hiện nay, chủ yếu là hồ nhỏ (dưới một triệu m3) và đều đã làm từ lâu, thậm chí có hồ làm từ thời Pháp thuộc; rất nhiều hồ do người dân tự làm, không có quy chuẩn, không có các kỹ thuật như bây giờ, nên xuống cấp là đương nhiên. Theo thống kê, số hồ xuống cấp cần sửa ngay là 200 cái (nếu không sửa là vỡ), số hồ có vấn đề (thấm, lún) khoảng 1000 cái.
…bỏ ra 1 đồng để phòng, bằng bỏ ra hàng nghìn đồng để chống…
Trong quản lý hồ đập, luật đã phân cấp rất rõ, cấp nào thì quản lý thì cấp đó chịu trách nhiệm. Cấp trung ương quản lý 6 hồ đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, rồi đến cấp tỉnh quản lý hồ vừa và lớn, cấp huyện xã quản lý hồ nhỏ. Cấp nào quản lý thì phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn. Luật Thủy lợi đưa ra 19 tiêu chí an toàn hồ, đập. Mỗi địa phương đều phải yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn An toàn hồ đập (trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh trong bảo đảm an toàn hồ đập). Nhưng thực tế, hội đồng tư vấn này không phải địa phương nào cũng có, nhiều địa phương chưa quan tâm và đầu tư đúng mức. Nhưng có một số yếu tố tối thiểu phải bảo đảm như: định kỳ các chủ hồ phải thành lập đoàn thẩm định an toàn hồ chứa. Việc này có những địa phương làm tốt, có địa phương làm chưa tốt. Với kỹ thuật hiện nay, việc thẩm định sẽ giúp đánh giá chính xác an toàn hồ đập, có sự cố hay không, có an toàn hay không và an toàn ở mức nào… Sự chủ động khi thẩm định rất quan trọng, nhiều khi chúng ta chỉ bỏ ra nguồn kinh phí không lớn nhưng giữ được an toàn, chứ nếu để xảy ra sự cố thì hậu quả rất khôn lường. Khi vỡ đập lớn là thảm họa, chứ không còn là thiên tai thông thường. Thí dụ, đập thủy điện Hòa Bình mà vỡ, ga Hàng Cỏ sẽ ngập tới khoảng 6 m nước. Trong phòng chống thiên tai, vấn đề nhận thức rất quan trọng. Qua tổng kết cho thấy, nếu chúng ta bỏ ra 1 đồng để phòng, bằng 7 đồng để chống, còn trong an toàn hồ đập thì, bỏ ra 1 đồng để phòng, bằng bỏ ra hàng nghìn đồng để chống…
- Phóng viên: Thưa thứ trưởng, nói vậy thì hiện trạng hồ đập của chúng ta hiện nay đã yên tâm được chưa?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Cơ bản là yên tâm, Chính phủ đã bố trí các nguồn lực để bảo đảm an toàn tuyệt đối các hồ, đập từ ba triệu m3 trở lên, nghĩa là có thể yên tâm với những hồ có thể gây ra thảm họa lớn. Còn lại những hồ, đập vừa và nhỏ, Chính phủ đã bố trí một chương trình vốn đầu tư công trung hạn để sửa, cộng cả các nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2025, chúng ta cơ bản bảo đảm các hồ loại vừa, còn các hồ nhỏ (dưới 500 m3), các địa phương thẩm định trước mùa mưa bão để bảo đảm sửa chữa, an toàn.
Vấn đề thứ hai trong an toàn hồ đập chính là vận hành. Vận hành mới là vấn đề quan trọng, hồ đập tốt nhưng vận hành không tốt, vẫn gây mất an toàn. Trong hơn 7 nghìn hồ chứa hiện nay, cơ bản đều là loại đập tràn tự do, không liên quan đến vận hành nhiều, chỉ cần tính toán thủy văn để cánh báo ở hạ du cho người dân di chuyển kịp thời. Đối với loại thứ 2 là đập có cửa van, tức là khi nước về thì đóng cửa van để tích nước, nếu dự báo không đúng hoặc tham tích nước (các hồ này thường do tư nhân đầu tư và không có dung tích phòng lũ), thì khi lũ về có thể xảy ra các sự cố như kẹt cửa van, hoặc xả dồn dập , gây nguy cơ cao cho ngập lụt hạ du và cho an toàn hồ đập.
Chính vì vậy cần có quy trình vận hành đúng, bảo đảm tính toán để khi nào xả, xả bao nhiêu cho phù hợp, để đạt cả hai hiệu quả tích nước và an toàn hồ đập tối ưu nhất. Hiện nay, khi có mưa bão thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao vận hành liên hồ chứa, bảo đảm hiệu quả nhất.
Năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố đập, hồ thủy lợi, 14 sự cố hồ thủy điện.
(Nguồn Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT)
- Phóng viên: Việc quy hoạch, và chủ động cấp, tưới, tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, dân sinh…. cũng là những giải pháp cần triển khai ngay để bảo đảm an ninh nguồn nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Phương án chúng tôi đưa ra đầu tiên xây hồ chứa, nhưng sau nghiên cứu thì những chỗ còn có thể làm được hồ chứa thì chỉ chứa được khoảng 2 tỷ m3, vậy thì rất không đáng kể, nhưng vẫn phải làm.
Vậy phải làm thế nào? Thực tế cho thấy việc tích nước không tập trung nhỏ, siêu nhỏ (hồ nhỏ, ao…) vừa đơn giản rẻ tiền, ai cũng có thể làm, nhưng giải quyết rất quan trọng, như vậy hồ chứa không tập trung làm ở đâu? Đơn giản là làm ở chỗ trồng cây, chăn nuôi có giá trị cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn, thí dụ 1 ha cây ăn trái thì cần bao nhiêu nước, một trang trại chăn nuôi thì cần bao nhiêu… Có như vậy thì mùa khô sẽ bảo đảm chống hạn trong vòng 1 tháng, giải pháp này rất quan trọng cho những vùng như: Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng cao phía bắc.
…Tích nước không tập trung dễ làm, rẻ tiền nhưng rất quan trọng…
Giải pháp chuyển nước cũng đã được tính đến. Tức là Việt Nam cần có đường ống dẫn nước như đường điện. Nhưng với địa hình như chúng ta thì không thể làm được trong trước mắt. Vậy giải pháp thế nào, phải làm gì? Chuyển nước liên vùng, trong vùng có tỉnh, trong tỉnh có vùng, thí dụ hồ Tân Mỹ 200 triệu m3 nước của Ninh Thuận, dẫn nước từ Tân Mỹ chia ra các hồ đang có sẵn ở Ninh Thuận, do đó Ninh Thuận cơ bản hết khát, làm xong thì giải quyết toàn bộ hạn cho Bắc Ninh Thuận…
Như vậy giải pháp trung hạn nên giải quyết theo hướng đó. Ngoài tích nước, dẫn nước còn giải pháp Phi công trình, tức là sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm (khoảng 60 tỷ m3, chúng ta đang khai thác khoảng 10 tỷ m3). Nguồn nước này tự bổ sung, tuy nhiên khai thác sẽ có mấy vấn đề đang đặt ra: khai thác bừa bãi, gây sụt lún, cạn dòng, hạ mực nước và ô nhiễm tụt xuống theo mạch ngầm, cần nhớ rằng ở dưới đất dòng chảy cũng như trên mặt, ngay khai thác dưới đất cũng phải có quy hoạch. Giải pháp này thì không khác gì hồ không tập trung, thí dụ trong một xã thì chỉ mấy mũi khoan, sau đó tích để cho sinh hoạt và sản xuất.
- Phóng viên: Khái niệm “kinh tế nước” có vẻ còn khá mới với nhiều người, Thứ trưởng có thể trao đổi rõ hơn về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Nhiều người hiện vẫn coi nước là của trời cho, sử dụng bừa bãi, lãng phí và chúng ta thường xuyên phải kêu gọi sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có rất nhiều nội dung, nhưng có một quan điểm rất mới đó là,
“nước phải là một ngành kinh tế”
Đây là quan điểm rất mới. Phải làm bằng được, sử dụng nước phải có trách nhiệm và dùng nước phải trả tiền, có một số ngành thì Nhà nước bao cấp, nhưng không thể bao cấp mãi, chỉ trong từng giai đoạn. Để làm được việc này thì phải chuyển bằng được từ phí sang giá cho người sử dụng. Tại sao vậy? Khi tính là phí thì không bao giờ tính đúng, tính đủ. Khi đã không tính đúng, tính đủ thì không thể thu hút được đầu tư tư nhân vào. Mà trong cơ chế thị trường, muốn là ngành kinh tế thì phải có đầu tư tư nhân.
Để chuyển từ phí sang giá và tính đúng, tính đủ, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm việc với Bộ Tài chính, nhưng có một số vấn đề đặt ra, thí dụ, nước các công ty thủy nông phục vụ nhân dân tính theo đúng quy định thì nhân dân không chịu được, giá thành sản xuất sẽ rất cao. Đơn cử thế này thôi, nếu tính đúng, tính đủ để làm ra một cốc cà phê anh em mình vẫn uống buổi sáng thì phải cần đến 5m3 nước, làm ra một cái áo cần độ 7m3 nước. Vậy thì tính thế nào? Tính đúng, tính đủ giá thành nước đối với một số ngành thì Nhà nước sẽ có một phần hỗ trợ, đối với một số ngành thì phải tự trả. Chỉ có như thế thì sử dụng nước mới tiết kiệm, chỉ có như thế thì tư nhân mới đầu tư. Nếu nông nghiệp phục vụ cho cây trồng, vật nuôi có giá trị cao thì cũng cần phải tính đúng, tính đủ. Nếu tư nhân đầu tư vào thì rất tốt cho kinh tế nước.
- Phóng viên: Vậy, lộ trình thực hiện sẽ như thế nào nếu Đề án được Quốc hội phê duyệt?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp:
Lộ trình thực hiện sẽ được chia làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 2020-2025: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về nước theo hướng quản lý tổng hợp, kinh tế hóa, khắc phục chồng chéo, làm rõ trách nhiệm quản lý; nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá an ninh nước quốc gia; xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông lớn, khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các đoạn sông liên tỉnh chảy qua khu dân cư tập trung, khu công nghiệp tại các đô thị lớn; Kiểm kê nguồn nước quốc gia; triển khai điều tra cơ bản; lập, rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số phục vụ bảo đảm an ninh nước
Giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục đầu tư xây dựng các đập, hồ chứa nước lớn, công trình trữ nước phân tán, công trình cấp nước sạch, công trình chống ngập, xử lý và tiêu thoát nước đô thị; công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên vùng, liên lưu vực; các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nướctrênhệ thống sông lớn, xử lý và tiêu thoát nước thải đô thị; sửa chữa nâng cấp đập, hồ chứa nước chưa bảo đảm an toàn; xử lý và khôi phục các dòng sông, nguồn nước dưới đất bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; lập, rà soát quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành gắn với an ninh nước, quy hoạch quốc gia về nguồn nước…
Giai đoạn 2030-2045: Hoàn thành các công trình kết nối, liên kết nguồn nước vùng, quốc gia bảo đảm hình thành được mạng lưới kết nối nguồn nước quốc gia vào năm 2045. Hoàn thành các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông, các hồ chứa lớn, công trình chống ngập, xử lý và tiêu thoát nước thải đô thị. Hoàn thiện, vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nước quốc gia, vận hành theo thời gian thực
- Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Tổ chức sản xuất: Quốc Việt
Nội dung: Quốc Việt, Văn Lúa
Trình bày: Phương Nam
Ảnh: Nguyễn Trung, Văn Lúa, Duy Linh, Tổng cục Thủy lợi
Nguồn: