Gói viện trợ không hoàn lại của EU đẩy yêu cầu về chính sách năng lượng ổn định, minh bạch và dự báo được lên mức cao hơn.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cách thức giải ngân gói hỗ trợ 170 triệu Euro, hợp phần thứ hai của khoản viện trợ trị giá 346 triệu Euro thuộc Chương trình Hỗ trợ Chính sách nggành Năng lượng dành cho Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020.
Kết quả chuyến khảo sát vào trung tuần tháng 12.2018, của các Đại sứ EU và Đức, cùng một số quan chức cấp cao của Phái đoàn EU tại Việt Nam, đến các dự án điện gió và mặt trời, cho thấy tầm quan trọng của việc định ra một cơ chế giải ngân phù hợp cho giai đoạn tới.
Chặng cuối cuộc đua
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2020 nhu cầu điện năng của Việt Nam đạt 265 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt trên 572 tỷ kWh. Tổng công suất lắp đặt năm 2020 là 60.000 MW và sẽ tăng lên 129.500 MW vào năm 2030.
Tại quy hoạch này, nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ trọng cao, năm 2020 tăng lên 49,3%, năm 2025 lên 55% và đến năm 2030 sẽ ở mức 53,2%. Trong khi đó, điện từ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện nhỏ) có mức tăng hạn chế, năm 2020 khoảng 6,4%, năm 2025 khoảng 6,9% và đến năm 2030 là 10,7%.
Nhu cầu năng lượng tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày một thiếu điện. Quyết định 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng giá điện Mặt trời lên 9,35 cent/kWh, khoảng 2.086 đồng cho một kWh, trở thành cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư phát triển nguồn năng lượng này kể từ 1.6.2017.
Tuy nhiên, việc Quyết định 11 chỉ có hiệu lực đến 30.6.2019 đang gây trở ngại cho các nhà đầu tư, trong khi Việt Nam là thị trường năng lượng tái tạo mới, rất khó nhận biết về sự phát triển của thị trường cũng như những ảnh hưởng của chính sách tới thị trường.
Sau thành công của Điện gió Phú Lạc, dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình có kế hoạch phát triển một số dự án điện gió và mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận và Đăk Lăk.
Thuận Bình đã có những đầu tư nhất định nhằm đảm bảo đến 2030 sẽ có 1000 MW, trong đó 1/3 là điện gió và 2/3 là điện mặt trời, ông Bùi Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình, cho biết.
Thậm chí, công ty này đã có kế hoạch phát triển điện mặt trời xen kẽ không gian điện gió và du lịch sinh thái. “Chúng tôi đã đầu tư cho phần hạ tầng, như làm con đường 2,7 km, nối dự án với quốc lộ 1”, ông Thịnh cho hay.
Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch phát triển các dự án điện mặt trời của Thuận Bình đều bị dừng lại. “Chúng tôi không thể theo đuổi một thứ chắc chắn không thể với tới” ông Thịnh nói.
Việc quy hoạch trong thời gian nhất định cũng ảnh hưởng không tốt đến các dự án điện mặt trời sử dụng vốn Nhà nước. Các nhà thầu Dự án điện mặt trời nổi của Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, đang chạy đua với thời gian để kịp đóng điện trước ngày 30.6.
Dự án Điện mặt trời nổi Đa Mi khó đảm bảo kế hoạch phát điện toàn bộ 47,5 MWp vào tháng 6.2019. Ảnh Hải Vân
Ông Trần Đức Trọng, Phòng Đầu tư xây dựng, Dự án Điện mặt trời nổi Đa Mi, cho biết, dự án có “tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó 99,8% là vốn Nhà nước” và “việc lắp đặt đang là khó khăn lớn nhất”.
Người của Dự án Điện mặt trời nổi Đa Mi không tiết lộ tiến độ dự án mặt trời nổi, song theo quan sát của các nhà chuyên môn, đến nay dự án này mới chỉ hoàn thành khoảng 15% trong tổng công suất 47,5 MWp đề ra.
Với thực trạng này, Dự án Điện mặt trời nổi Đa Mi khó đảm bảo kế hoạch phát điện toàn bộ 47,5 MWp vào tháng 6.2019, trong bối cảnh triển khai lắp đặt khoảng 1.500 tấm pin mặt trời trên diện tích 57 héc ta hồ thủy điện Đa Mi chỉ mới được thực hiện từ tháng 6.2018.
Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn điện, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch là thật, nhưng thực tế phát triển điện mặt trời đã vượt qua những tính toán của Bộ Công thương, đơn vị tư vấn cho Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017.
Cơ chế giá mua điện mới cộng hưởng với tiềm năng khai thác điện từ năng lượng mặt trời có thể đạt mức 13.000 MW của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), tạo thành làn sóng đầu tư vào điện mặt trời lớn chưa từng có tại Việt Nam.
Số liệu của Bộ Công thương ghi nhận đến hết tháng 9.2018 đã có 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện Quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.
Những mong muốn của các nhà làm chính sách năng lượng để tránh sự “đầu tư quá nóng” vào điện mặt trời đã không đạt được. Chỉ sau một năm áp dụng giá mua điện mới, tổng công suất đăng ký đầu tư vào điện mặt trời đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước là hơn 47.000 MW, vượt xa mục tiêu đạt công suất 850 MW vào năm 2020 và 4.000 MW vào năm 2025 của Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.
Thêm nữa, các chính sách này gần như không lường trước mức độ giảm nhanh chi phí phát điện từ các nguồn điện mặt trời, điện gió và ngày càng cạnh tranh hơn do áp lực cạnh tranh gia tăng thúc đẩy sự đổi mới công nghệ. Giá tấm pin điện mặt trời hiện nay chỉ khoảng 0,5 USD/Wp trong khi 5 năm trước là 3-4 USD/Wp.
Cơ chế cho bền vững
Gói viện trợ không hoàn lại của EU có thể được giải ngân 170 triệu Euro giữa lúc cuộc đua hưởng giá tốt chưa kịp hết nóng, song nó đẩy nhu cầu về một chính sách ổn định, minh bạch và có thể dự báo được, lên mức cao hơn.
Trưởng ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Koen Duchateau, cho biết, tại hợp phần thứ hai này, EU muốn tập trung phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh khối.
Koen Duchateau nói: “Cách thức giải ngân sẽ được EU xem xét từ chính các cơ chế hiện hành về năng lượng tái tạo”. Một điểm quan trọng nữa, ông nói: “Chúng tôi quan tâm đến phát triển các dự án điện mặt trời nổi, lĩnh vực không lấy đi đất canh tác của nông dân”.
Ông Koen Duchateau cũng tính đến sự giảm giá nhanh của chi phí phát điện từ gió và mặt trời sẽ tác động tích cực lên quá trình triển khai gói hỗ trợ của EU, có thể bù đắp cơ bản sự thiếu hụt nguồn năng lượng truyền thống cho sản xuất điện ở Việt Nam nếu có những cơ chế, chính sách thích hợp.
Theo đánh giá của IRENA, một tổ chức hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng gồm 159 Thành viên, chi phí phát điện từ năng lượng mặt trời có thể giảm 59% và năng lượng gió có thể giảm 26% trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2025.
Cụ thể, chi phí phát điện trung bình đối với điện gió trên bờ có thể giảm 26% và lên đến 35% với điện gió ngoài khơi. Đối với công nghệ hội tụ năng lượng Mặt trời CSP có thể giảm ít nhất 37% và công nghệ quang điện PV có thể giảm đến 59%.
Theo tính toán sơ bộ tỷ lệ năng lượng tái tạo có thể không dừng ở mức Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh đề ra, nó có thể được tăng lên đến 12,6% vào năm 2030 khi đảm bảo một số điều kiện ràng buộc nhất định.
Dù vậy, suất đầu tư vào năng lượng của Việt Nam đến nay vẫn cao hơn những thị trường có chính sách ổn định và cơ chế rõ ràng. Với cơ chế hiện hành, các nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn phải mạo hiểm nên kỳ vọng chỉ ở mức 8-10%.
Một điểm, vị chuyên gia năng lượng của EU nói cần thiết, là việc tạo ra các chính sách rõ ràng cho phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có cơ chế phát triển điện mặt trời sau tháng 6.2019, nhằm đảm bảo sự phối hợp tối ưu giữa các nguồn năng lượng truyền thống và tái tạo.
“Chúng tôi muốn phía Việt Nam giải quyết được tận gốc những vấn đề về quy hoạch, kỹ thuật, đất đai (khi lấy đất cho dự án) và truyền tải điện”, ông Koen Duchateau nói. Ông cho biết đó sẽ là những vấn đề EU sẽ quan tâm trong quá trình triển khai gói hỗ trợ tại Việt Nam.
Nguồn:nhipcaudautu.vn